Làm bạn với người khuyết tật
Chắc đã có lần bạn thực tâm muốn giúp đỡ một người khuyết tật đang vật lộn với chiếc xe lăn của mình cố di chuyển lên, xuống dốc. Chắc cũng có lần bạn mong muốn được sẻ chia và đồng cảm với họ. Nhưng một hành động xuất phát từ trái tim thôi là chưa đủ, bạn cần có kỹ năng để tiếp cận với người khuyết tật.
Lam ban voi nguoi khuyet tat
Các tình nguyện viên giúp đỡ một vận động viên tại Hội thao toàn quốc dành cho người khuyết tật 2012 - Ảnh nhân vật cung cấp


Kỹ năng với xe lăn

“Giúp người khuyết tật trên xe lăn di chuyển lên các bậc thang không quá khó, nhưng nếu không biết cách thì dễ gây tai nạn cho họ” - Hồng Minh Nhân, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, từng là tình nguyện viên giải thể thao toàn quốc dành cho người khuyết tật năm 2012, cho biết. Theo Minh Nhân, tùy vào tình huống thực tế để chọn cách di chuyển, nhưng nguyên tắc chung luôn là “di chuyển người trước, xe sau”.

Với người khuyết tật một chân thì khá đơn giản, có thể quàng tay họ qua người mình và từ từ dìu họ đứng dậy, nhưng với người ngồi xe lăn hoàn toàn thì công việc trở nên khó khăn hơn. “Mình có thể bế hay cõng họ, bởi tuy mất đi đôi chân nhưng đôi tay họ rất khỏe, có thể bám vào người mình được. Tuy nhiên ở hội thao, cũng không ít lần mình không thể cõng nổi họ, toàn nhấc lên rồi đặt xuống, họ nhìn mình cũng thông cảm” - Minh Nhân cười nhớ lại.

Trước khi di chuyển người khuyết tật ra khỏi xe lăn, nhất thiết phải kiểm tra hai chốt bánh xe đã được cài chưa, phòng trường hợp xe di chuyển làm té người. Xe nên được gấp lại trước khi chuyển đi. “Một trong những kỹ năng quan trọng phải nắm là gấp xe sao cho thật nhanh, gọn mà không khiến mình bị... kẹt tay vào xe” - Minh Nhân cho biết. Khi bung xe trở lại, nhớ kiểm tra chốt đã được cài sẵn trước khi bế người về lại xe. Sau đó mở chốt và đẩy họ đi tiếp.

“Còn trên đường, muốn giúp người khuyết tật di chuyển thì cách tốt nhất là gọi nhiều người cùng phụ một tay, chứ không nên liều làm một mình nếu chưa biết các kỹ năng cần thiết” - Minh Nhân nhấn mạnh.

“Chú tự làm được mà!”

Với Phan Thị Khánh Tâm - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, một trong những sinh viên nhận được danh hiệu “Tình nguyện viên xuất sắc” tại Hội thao toàn quốc dành cho người khuyết tật, bài học của cô bạn là cách ứng xử, giao tiếp với những người bạn đặc biệt này. “Mình trở thành một tình nguyện viên với tâm thế thương cảm ban đầu, nhưng khi chương trình kết thúc, đọng lại trong mình là sự nể phục và tự hào với những con người này” - Khánh Tâm cho hay.

Kỷ niệm cô bạn nhớ nhất là khi được giao nhiệm vụ nhặt bóng tại sân quần vợt để phục vụ trận đấu. Vừa thấy bóng rơi ra sân, cô gái đã nhanh nhảu chạy đi nhặt, chưa kịp cầm bóng lên thì đã nghe tiếng gọi giật lại từ đằng sau của chú vận động viên: “Cứ để đó đi cô bé, chú có thể tự làm được mà!”. Khánh Tâm nhớ lại: “Lúc đó mình ngạc nhiên vô cùng vì cả hai vận động viên tuy không ngồi xe lăn nhưng đôi chân rất yếu. Cứ nghĩ việc mình làm là giúp họ đỡ nhọc công và giúp trận đấu được suôn sẻ hơn, nhưng chỉ khi nào thật sự cần thiết họ mới nhờ đến sự hỗ trợ của người khác. Những việc họ có thể làm được, dù khó khăn hơn người bình thường, họ luôn nỗ lực thực hiện để không ỷ lại vào bất cứ ai hết”.

Những ngày phục vụ hội thao là những ngày Khánh Tâm rơi nước mắt vì cảm phục họ. Tinh thần chơi thể thao nhiệt tình, những chiến thắng bằng cả nỗ lực, mồ hôi và thậm chí là máu đã đổ xuống để cống hiến cho tinh thần thể thao.

Khánh Tâm dần gạt đi nỗi thương cảm ban đầu, xem họ như những người bạn bình thường, cùng chia sẻ niềm vui chiến thắng hay nỗi buồn thất bại. Trời không phụ lòng người, những người bạn đặc biệt ấy đã mở lòng chia sẻ với cô bạn những thăng trầm trong đời họ.

“Người khuyết tật luôn mong muốn được mọi người đối xử bình đẳng, chứ không phải là lòng thương hại. Hãy đến với họ bằng sự chân thành, họ sẽ dần mở lòng với bạn” - Khánh Tâm đúc kết.

Một thế giới cho mọi người

Trung tâm khuyết tật và phát triển DRD Việt Nam (www.drdvietnam.com) đã tổ chức chuỗi chương trình mang tên “Một thế giới cho tất cả” đến các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM, kêu gọi mọi người chung tay xây dựng một cuộc sống tiếp cận hơn với người khuyết tật. Đó có thể là chỉ cần thêm một đường trượt cho xe lăn bên cạnh những bậc thang trong các công trình kiến trúc hay trên xe buýt, thêm tay vịn trong nhà vệ sinh...

Anh Thanh Tùng, đại diện DRD và cũng là một người khuyết tật, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn mọi người biết đến hình ảnh những người khuyết tật luôn nở nụ cười trên môi và luôn tự hào về bản thân mình, trong một thế giới mà mọi người bình đẳng với nhau, người khuyết tật được tạo những điều kiện thuận lợi để khẳng định bản thân - Một thế giới cho mọi người”.
Theo Theo Y VÂN - Áo Trắng - TTO
Số lần xem: 1062 Lên đầu trang
Các bài viết khác
Đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật
Xóa mặc cảm khuyết tật
Những điểm tựa cho người khuyết tật
Mái ấm của những phụ nữ khuyết tật
Việc làm cho người khuyết tật – gian nan muôn nẻo
Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật: Cần chính sách bền vững và ...
Phục hồi chức năng lao động và đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết ...
Điểm A+ cho một cuộc đời
Dạy nghề cho người khuyết tật
Người khuyết tật và “Ước mơ tiếp cận”
Chuyên mục
Người Khuyết Tật (31)
Kỹ Năng Phỏng Vấn (7)
Cẩm Nang Thu Hút Nhân Tài (10)
Cẩm Nang Tuyển Dụng Nhân Tài (21)
Quản trị nguồn nhân lực (24)