|
Các bạn đang vẽ những ước mơ về các công trình xã hội có thể dễ dàng tiếp cận với mình - Ảnh: Khoa Nguyễn |
Đây là một chiến dịch nhỏ trong chuỗi hoạt động của dự án "Bản đồ tiếp cận" do Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) thực hiện. Hai hướng truyền thông chính của dự án gồm: thông qua mạng xã hội, Internet tạo ra bản đồ tiếp cận online, bản đồ giấy về những nơi hỗ trợ cho người khuyết tật; chính mỗi người khuyết tật hãy lên tiếng, nói lên nhu cầu để người tân, cộng đồng cùng thay đổi cách nhìn.
Mở đầu chương trình là hoạt động vẽ lên thành phố tiếp cận trong tương lai, các bạn được chia thành nhiều nhóm, với mỗi chủ đề tương ứng, các bạn thỏa sức sáng tạo để vẽ lên những điều mình mong muốn như cơ sở hạ tầng, nhà hàng, siêu thị, sở thú, lề đường… có lối đi riêng, phù hợp để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng dễ dàng.
Sân chơi này nhằm giúp mọi người có thể cùng nhau chia sẻ những hiểu biết về sự tiếp cận, nhận thức được sự thiếu tiếp cận của các công trình trong môi trường sống. Qua chiến dịch này mọi người thể hiện niềm tin về một thành phố không rào cản, một cuộc sống tiếp cận cho mọi người. Những rào cản, khó khăn cũng được các bạn khuyết tật viết ra và dán lên các mô hình nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi… nơi các bạn gặp khó khăn khi đến.
|
Viết thông điệp lên bảng tên, điều mà người khuyết tật mong muốn, sau đó chụp lại để lan tỏa lên mạng xã hội, cộng đồng - Ảnh: Khoa Nguyễn
|
“Tôi hi vọng mọi người sẽ có cái nhìn thoáng hơn, hãy xem người khuyết tật giống như những người bình thường. Đừng xây dựng những khu riêng biệt cho người khuyết tật. Như thế là không công bằng. Chúng tôi vẫn muốn sống, học tập, làm việc hòa nhập cùng mọi người. Nhờ bản đồ tiếp cận mà chúng tôi sẽ biết được những chỗ nào có thể đến, những công trình tiếp cận dành cho mình" - Nguyễn Thị Ái Thanh, sinh viên CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết.
"Bản đồ tiếp cận" là một dự án xã hội của Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) nhằm tăng sự hòa nhập của người khuyết tật với cộng đồng và nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhu cầu hòa nhập chính đáng của người khuyết tật trong sự tiếp cận của các công trình dân dụng và công trình công cộng.
Cụm từ "tiếp cận" tức là việc người khuyết tậtsử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng.
|
|