Xóa mặc cảm khuyết tật
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp thu nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc, đối xử công bằng và giúp họ hòa nhập nhanh với cộng đồng
“A lô! Bảo hiểm AAA xin nghe...”. Không khí ở văn phòng Trung tâm Chăm sóc khách hàng Công ty Bảo hiểm AAA lúc nào cũng rộn ràng bởi hàng chục nhân viên đang tất bật nghe và trả lời điện thoại. Điều đặc biệt ở nơi đây là hầu hết nhân viên đều là người khuyết tật (NKT). Họ được công ty tuyển dụng hơn 1 năm qua.

Đối xử công bằng

Có tất cả 24 nhân viên là NKT đang làm việc tại trung tâm trên. Chị Đinh Thị Xuân Thủy, bị vẹo cột sống, cho biết trước khi vào trung tâm, chị luôn mang tâm trạng tự ti mặc cảm. “Nhưng bây giờ thì trái lại, tôi rất tự tin vào bản thân. Ở đây, tôi thấy mình được sống, được làm việc và được đối xử như người bình thường”- chị Thủy tâm sự. Chị Hồ Phạm Uyên Phương, bị khiếm thị bẩm sinh, cũng thấy cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa hơn khi được làm việc, được phục vụ mọi người. Hiện Uyên Phương là trưởng một nhóm tiếp nhận thông tin. Uyên Phương bộc bạch: “Những nhân viên khuyết tật ở trung tâm phải làm việc như người bình thường, không có bất cứ sự ưu tiên nào. Chính điều này giúp chúng tôi xóa đi mặc cảm và tự tin thể hiện năng lực”.

xóa bỏ mặc cảm khuyết tật

Anh Nguyễn Ái Quốc đang làm việc tại Công ty Quảng cáo Châu An _Ảnh: HỒNG NHUNG


Tại Công ty Quảng cáo Châu An (quận Bình Tân - TPHCM), chúng tôi bắt gặp chị Bạch Thị Nhỏ đang thao tác thuần thục trên chiếc máy may. Dù bị tật một tay và chân nhưng đồng nghiệp làm được bao nhiêu sản phẩm, chị cũng làm được bấy nhiêu chứ không chịu “rớt” lại phía sau. Sau khi học nghề may tại Trung tâm Bảo trợ, Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM, chị được giới thiệu đến Công ty Châu An làm việc. “Với thu nhập 5 triệu đồng/tháng, tôi có thể tự lo cho bản thân. Trước đây, tôi không bao giờ dám nghĩ mình có thể học nghề, có được một công việc ổn định, thu nhập khá như vậy”- chị bộc bạch.

Ông Mã Hoàng Lê, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ, Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM, cho biết ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) thu nhận lao động là NKT vào làm việc. Chỉ riêng trong năm 2012, trung tâm tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng của 486 lượt DN, dành 1.332 chỗ làm cho NKT, hơn 500 NKT được giới thiệu hiện có việc làm khá ổn định ở các DN.

Hiệu quả làm việc cao

Nói về việc thu nhận 24 NKT vào làm việc, bà Vũ Thanh Nga, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng Công ty Bảo hiểm AAA, cho rằng quan điểm của công ty là đối xử bình đẳng, không dựng vách ngăn đối với NKT. “Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm và nên làm là tạo cho họ cơ hội tự lo cho bản thân. Việc làm là một trong những cơ hội đó” - bà Nga nói. Chính cách nghĩ và cách làm này, Công ty Bảo hiểm AAA đã sử dụng hiệu quả lao động là NKT ở trung tâm chăm sóc khách hàng. Họ làm việc giỏi, nhiều người còn được bố trí làm quản lý.

Ông Từ Tử Hành, Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo Châu An, cho biết chị Bạch Thị Nhỏ là một trong 4 NKT đang làm việc tại công ty. Tới đây, công ty sẽ tuyển dụng thêm 10 người nữa. Theo ông Hành, để sử dụng hiệu quả lao động là NKT, công ty sắp xếp họ làm việc ở những bộ phận phù hợp với sức khỏe. Nhờ vậy, dù khiếm khuyết về thể trạng nhưng bằng sự cầu tiến, cố gắng, họ làm việc rất tích cực, năng suất không kém gì những công nhân lành lặn.

Công ty TNHH Tin học Hội thảo Phát triển TPHCM cũng đang sử dụng 3 nhân viên thiết kế đồ họa là NKT. Bà Nguyễn Hạ Lam, giám đốc văn phòng của công ty, đánh giá cả 3 nhân viên đều làm việc rất tốt. Họ được trả lương tương xứng với sức lao động bỏ ra, trung bình từ 6 triệu đến 8 triệu đồng/tháng. “Chúng tôi luôn tạo điều kiện và mở rộng cửa đón các bạn trẻ khuyết tật có trình độ vào làm việc. Không có bất kỳ ngăn cách nào giữa họ với người bình thường” - bà Lam khẳng định.

 Hãy trao cơ hội cho người khuyết tật

Ông Mã Hoàng Lê cho rằng ở những nước đang phát triển, NKT ít có cơ hội tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ giáo dục, đào tạo nghề và việc làm. Ở nước ta cũng vậy, trong số hơn 6 triệu NKT, rất ít người ở độ tuổi lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều người không được làm việc trong khu vực chính thức do cách ứng xử thiếu thiện cảm cũng như những định kiến sai lầm về khả năng của họ. “Cần thay đổi cách nhìn về NKT. Họ có thể làm việc và cống hiến như những người bình thường, chỉ cần ta cho họ cơ hội để họ thể hiện và chứng tỏ năng lực” - ông Lê nói.
Theo Theo NLĐ
Số lần xem: 899 Lên đầu trang
Các bài viết khác
Những điểm tựa cho người khuyết tật
Mái ấm của những phụ nữ khuyết tật
Việc làm cho người khuyết tật – gian nan muôn nẻo
Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật: Cần chính sách bền vững và ...
Phục hồi chức năng lao động và đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết ...
Điểm A+ cho một cuộc đời
Dạy nghề cho người khuyết tật
Người khuyết tật và “Ước mơ tiếp cận”
Oscar Pistorius sắp đi vào lịch sử Olympic
Sinh viên khuyết tật khó xin việc làm?
Chuyên mục
Người Khuyết Tật (31)
Kỹ Năng Phỏng Vấn (7)
Cẩm Nang Thu Hút Nhân Tài (10)
Cẩm Nang Tuyển Dụng Nhân Tài (21)
Quản trị nguồn nhân lực (24)