Mái ấm của những phụ nữ khuyết tật
Gần 7 năm qua, CLB phụ nữ khuyết tật huyện Đông Anh là nơi hội viên phụ nữ khuyết tật “tàn nhưng không phế” cùng nhau chia sẻ những vất vả, khó khăn trong cuộc sống.
Theo lời giới thiệu của chị Nguyễn Thị Mát, chủ nhiệm CLB phụ nữ khuyết tật, chúng tôi tìm đến cửa hàng may đo thời trang của chị Nguyễn Thị Hằng, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, một trong những phụ nữ khuyết tật vượt khó tiêu biểu của huyện. Cửa hàng của chị Hằng nằm ở phía cuối cùng của dãy chợ trong thôn khách hàng khá đông, dù phải đứng xếp hàng chờ đến lượt nhưng ai nấy đều vui vẻ. Chị Xuân, một khách hàng thân thiết của chị Hằng nói:

“Cửa hàng may đo của chị Hằng là địa chỉ quen thuộc của người dân quanh vùng. Chị Hằng khéo tay lắm! Đường kim mũi chỉ lúc nào cũng vừa vặn, áo may ít khi phải sửa lại. Giá cả hợp lý nữa”. Chị Hằng là con gái thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em, thủa nhỏ, trong một trận ốm thập tử nhất sinh, chị bị liệt chân trái, chân phải yếu. Sau khi học hết cấp III, chị xin mẹ cho đi học nghề may vì suy tính kỹ lưỡng chị nhận thấy nghề phù hợp với khả năng và sức khỏe của mình. Học nghề xong chị mở cửa hàng tại nhà rồi dần dần mở rộng thuê thêm cửa hàng ngoài chợ.

Chị Nguyễn Thị Hằng là hội viên phụ nữ khuyết tật tiêu biểu
”tàn nhưng không phế”
 
Đặc biệt, năm 2012, CLB phụ nữ khuyết tật phối hợp mở lớp tập huấn về “Giới và kinh doanh”, “Khởi nghiệp doanh nghiệp và tăng cường khả năng kinh doanh”, chị đã được nắm bắt được nội dung cơ bản của chương trình. Cộng với năng khiếu bán hàng từ nhỏ, chị đã mạnh dạn đầu tư thêm tủ bày bán hóa mỹ phẩm tại cửa hàng để có thêm thu nhập. Đến nay thu nhập trung bình mỗi tháng từ bán hàng mỹ phẩm và may đo được khoảng 3-4 triệu đồng/tháng.

Tới dự một buổi sinh hoạt của CLB Phụ nữ khuyết tật huyện Đông Anh, chúng tôi thực sự cảm phục những người phụ nữ bất hạnh nhưng đã vượt lên mặc cảm số phận để trở thành những người có ích cho xã hội. 170 thành viên, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng dưới mái nhà chung là CLB, họ rất gần gũi, thân thiết và lạc quan.

Tôi vẫn nhớ trong buổi sinh hoạt chia sẻ về chủ đề “Hạnh phúc của những nữ khuyết tật”, họ đã tâm sự, đã sẻ chia về khát khao, về ước mong vào một tương lai tươi sáng, nơi có một cuộc sống giản đơn bên chồng và những đứa con thơ. Có những giọt nước mắt vì xót xa cho số phận, những cái siết chặt tay động viên an ủi và đặc biệt, sợi dây gắn kết họ là niềm tin mạnh mẽ chiến thắng số phận, chiến thắng hoàn cảnh. Chính sợi dây ấy, sự sẻ chia ấy đã trở thành động lực để họ trở thành những người tàn nhưng không phế.

Chị Mát cho biết thêm, CLB được thành lập cách đây gần 7 năm, với 50 thành viên ban đầu, nay tăng lên 170 hội viên. Nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng sống cho phụ nữ khuyết tật, CLB thường xuyên sinh hoạt và phổ biến các kiến thức về Luật Bình đẳng giới, Luật Người khuyết tật góp phần nâng cao trình độ hiểu biết cho hội viên.

Nhiều hội viên còn gặp khó khăn trong việc làm, thời gian qua, ban Chủ nhiệm CLB đã giới thiệu cho hội viên đến làm việc tại các xưởng gỗ, làm mây tre đan tại địa phương… Nói về những dự định trong thời gian tới, chị Mát cho biết, Ban chủ nhiệm sẽ đến thăm quan mô hình trồng nấm ở Sóc Sơn, trồng rau mầm ở Hà Đông để liên hệ giúp đỡ những hội viên còn gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế.
Theo Theo PNTĐ
Số lần xem: 1232 Lên đầu trang
Các bài viết khác
Việc làm cho người khuyết tật – gian nan muôn nẻo
Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật: Cần chính sách bền vững và ...
Phục hồi chức năng lao động và đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết ...
Điểm A+ cho một cuộc đời
Dạy nghề cho người khuyết tật
Người khuyết tật và “Ước mơ tiếp cận”
Oscar Pistorius sắp đi vào lịch sử Olympic
Sinh viên khuyết tật khó xin việc làm?
Phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật
Kiều nữ tật nguyền vượt lên số phận
Chuyên mục
Người Khuyết Tật (31)
Kỹ Năng Phỏng Vấn (7)
Cẩm Nang Thu Hút Nhân Tài (10)
Cẩm Nang Tuyển Dụng Nhân Tài (21)
Quản trị nguồn nhân lực (24)