Khoảng Lặng..Nữ Doanh Nhân

Để làm nên được từng nét riêng cho mỗi tour du lịch, Nguyễn Thu Xinh - Giám đốc công ty TNHH Du lịch - Thương mại Đại Hoa (Hà Nội) đã kỹ lưỡng nghiên cứu và tìm hiểu, học tập và lao động thực tế, cùng với sự trải nghiệm nhiều năm từ việc làm tiếp thị, khai thác thị trường, đến hướng dẫn viên du lịch... để lập dự án và tổ chức thực hiện. Dự án Luận chứng kinh tế du lịch hoá; Du lịch giao lưu văn hoá dân gian Việt Nam,... là những dự án mà chị tâm huyết, đã được chị lập ra và thu được thành công.
Khác với nhiều doanh nghiệp đàn anh trong làng du lịch, Xinh không mở tour du lịch nước ngoài mà chỉ mở những tour du lịch trong nước, chủ yếu cho khách quốc tế đến Việt Nam và những tour du lịch đặc biệt dành cho những người có hoàn cảnh riêng như tour du lịch dành cho những người còn độc thân, người khuyết tật... Lấy ít để phục vụ nhiều, Đại Hoa chỉ với 10 lao động nhưng hàng năm Đại Hoa tổ chức hơn 50 tour phục vụ du khách quốc tế từ Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc,... đến Việt Nam. Chị cho rằng, hoạt động du lịch phải vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần giữ gìn, bảo tồn, và phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc. Nhiều chuyên gia văn hoá, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật tham gia cộng tác, tư vấn, đã tạo thêm sức hấp dẫn đặc biệt cho du khách nước ngoài khi tham gia các tour du lịch do Đại Hoa tổ chức. Và chị có quyền tự hào về điều đó.

Tôi ghi nhận sự thành công của nữ doanh nhân này không phải ở những con số về doanh thu hay số lượng du khách. Bởi, Đại Hoa chỉ là một hạt muối nhỏ trong biển trời du lịch. Những con số ư? Không nói lên được điều gì. Nổi lên ở con người này là sự bứt phá vươn lên trong cuộc sống, vượt lên số phận để sống có ích, trở thành một doanh nhân tàn tật làm du lịch thành đạt, khẳng định chân lý “tàn nhưng không phế” thêm một lần nữa chân dung những con người vượt khó. Nhưng, đặc biệt hơn cả ở nữ doanh nhân tàn tật này lại là tình yêu thương dành cho con người, cho những hoàn cảnh khó khăn, những người khuyết tật. Những gì chị làm được là tiếng cười, là nhường cơm sẻ áo cho nhiều người khuyết tật, là cầu nối cho những tấm lòng đến với yêu thương. Trong hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ em mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ nhất, khi được hỏi về mong ước của mình, Nguyễn Thu Xinh “chỉ có một mong ước duy nhất, đó là Nhà nước và các tổ chức xã hội cần có sự hỗ trợ cụ thể cho người khuyết tật, giúp họ vươn lên chiến thắng bệnh tật, tự nuôi sống mình và có đóng góp cho xã hội...”. Tôi bất chợt muốn tìm về... khoảng lặng trong con người ấy - Nguyễn Thu Xinh - nữ doanh nhân khuyết tật hảo tâm.

Khác với nhiều người thành đạt có lẽ cũng bởi tại Xinh đến với nó bằng một con đường không trải thảm. Chị đã đi lên bằng cả nỗi niềm cay cực nhất. Mới ngoài ba mươi tuổi nhưng chị đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời. Mất mát dường như là định mệnh của đời con gái. Mười chín tuổi, trong một tai nạn rủi ro, Xinh trở thành người tàn tật. Nỗi đau thể xác chưa nguôi vì sự mất mát thì tâm hồn lại quặn đau vì một sự thật oan trái. Người chồng mà chị yêu thương đã lừa dối chị. Anh đã có vợ con mà chị không hề hay biết. Cái thừa không những không bù được cho mất mát thiếu hụt trong cơ thể, lại thêm đau đớn tâm hồn. Cả hai nỗi đau đến cùng, chị tưởng như không tìm được lối thoát. Song, đứa con bé bỏng vô tội đã cho chị quyết tâm và nghị lực sống phi thường. Chị không còn cảm thấy xấu hổ khi phải rửa bát thuê, làm ôsin, quét rác, để có tiền nuôi con. Nhưng, chị không thể để cho cuộc đời trôi qua ngày một cách vô vị như thế, phải vươn lên. Nghĩ vậy, Xinh tự nhủ, chỉ có con đường học vấn mới giúp chị thoát nghèo và có vị thế trong xã hội. Không quản khó khăn, chị tự mình ôn thi đại học, và năm 1992 chị đã đỗ Đại học Thương mại. Vừa đi học lại vừa nuôi con trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của người mẹ trẻ không có nghề nghiệp ổn định, có những lúc chị tưởng như ngã gục. Chị không thể lùi bước. Bởi nếu thế chị sẽ chẳng bao giờ có được ngày mai. Và con trai của chị nữa, chị phải là chỗ dựa tinh thần cũng như vật chất, là tấm gương sáng cho nó. Nghĩ vậy, chị càng cố gắng học tập tốt hơn. Không có thời gian để cho chị dừng lại đắn đo suy nghĩ nữa. Chỉ có con đường phía trước là tiến lên. Chị ước mơ trở thành một nhà kinh doanh du lịch nên đã tự học tiếng Anh, tiếng Pháp, rồi tham gia các khoá học chuyên ngành quản trị kinh doanh, quản lý du lịch ở khách sạn, marketing... Và, như chị nói, Chúa đã dành cho chị tình yêu thương, Người đã cho chị nghị lực sống, cho chị Công ty Du Lịch Đại Hoa với những thành công để chị đem tình yêu thương ấy bù đắp cho những mảnh đời còn khiếm khuyết. Chị nói, chính trong lúc tuyệt vọng, không còn nơi gửi gắm tâm sự, niềm đau cùng cực, chị đã tìm đến với Chúa. Dưới chân người, chị đã học được cách chịu đựng, biết nhìn lên và ước vọng. Chúa anh minh soi sáng tâm hồn chị, cho chị tình thương yêu, khát vọng sống. Chị thấy Chúa nhân từ không có thù ghét, và chị cảm nhận thấy Chúa nói với chị rằng, hãy bao dung và độ lượng, hãy yêu thương để nhận lấy yêu thương... Tôi không cho là cuồng tín nếu như mỗi con người tìm thấy được sự cứu rỗi trong tâm hồn và làm những việc tốt đời đẹp đạo.

Chị là Nguyễn Thu Xinh - Giám đốc công ty TNHH Du lịch - Thương mại Đại Hoa, Hà Nội, một công ty kinh doanh - lữ hành du lịch và là một mái ấm dành cho người bất hạnh. Nhiều người không phải khách du lịch lại nhớ về chị bằng tình yêu thương và sự thán phục. Họ là những trẻ mồ côi, người cùng cảnh được chị tặng quà, đồ ăn, áo mặc. Chị là đầu mối liên kết các câu lạc bộ của những người khuyết tật ở Hà Nội: Bạn và tôi, Vì tương lai tươi sáng, Hy vọng,...

Trong hai năm 2002-2003 chị đã tổ chức 4 cuộc giao lưu giữa những người tàn tật với quy mô mỗi lúc một lớn. Lần đầu vào tháng 9/2002, chị gặp mặt gần 100 sinh viên nghèo vượt khó. Cuối năm ấy, chị tổ chức giao lưu với 500 người tàn tật trong cả nước. Tháng 7/2003 chị tổ chức đưa gần 100 người tàn tật đi nghỉ mát ở bãi biển Quất Lâm (Nam Định). Chị cũng đã tổ chức Đêm giao lưu người tàn tật thứ 2 vào năm 2003 không chỉ dành cho những người khuyết tật trong nước mà còn có sự tham gia của cả những người khuyết tật khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do UNESCO phát động nhân dịp Đại hội thể thao những người khuyết tật Đông Nam á lần thứ 2 tại Hà Nội. Qua hoạt động này, chị mong muốn tạo được sự liên kết trong cộng đồng người tàn tật để họ cùng nhau chia sẻ tâm tư, xoá bỏ mặc cảm, lấy lại niềm tin với cuộc sống.

Với những đóng góp về công tác bảo trợ, chăm sóc người tàn tật, trẻ mồ côi, từ năm 1998-2003, chị đã được Bộ Lao động thương binh xã hội tặng bằng khen. Chị không chỉ là một doanh nhân tàn tật hảo tâm mà luôn tìm tòi, suy nghĩ đến việc làm gì để giúp cho người nghèo có thu nhập. Chị mỉm cười không giấu ý tưởng: Du khách nước ngoài đến với Việt Nam mua quà cho người thân, thường tìm hàng thổ cẩm của các dân tộc, hay nón Huế,... Mình đang nghĩ, làm sao để có một sản phẩm nghệ thuật mà bất cứ ai nhìn thấy cũng nhận ra là của Hà Nội, mang phong cách riêng Hà Nội, được làm từ những nguyên vật liệu dễ kiếm, rẻ tiền và bằng sự khéo léo của những người nghèo, cả những người tàn tật cũng có thể làm được, được sống và không phế. Và, tôi thầm mong những ước nguyện của chị luôn đồng hành với một khoảng lặng không dễ có của chị sẽ cùng chị biến “cái không thể thành cái có thể” giữa cuộc đời đầy sôi động và đầy nhân ái này.

Linh Linh - Doanh nhân Việt Nam xưa và nay

vnjobs.com.vn
Theo Doanh nhan Viet Nam

Nhà tuyển dụng hàng đầu

Thông tin dành cho người khuyết tật

Máy tính nhỏ - Niềm vui lớn cho Người khuyết tật

Có thể thấy, xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vưc công nghệ thông tin, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có điều kiện không sử dụng đến những chiếc máy vi tính cũ đã khá lạc hậu tuy nhiên sử dụng cơ bản vẫn tốt ...!!!

2013-12-12 15:39:20

Đứng dậy để tạo cảm hứng cho người khác

Sri Lestari không muốn khuyết tật ngáng bước chân mình. Nỗ lực làm lại cuộc đời của người phụ nữ kém may mắn này đã tạo cảm hứng cho hàng triệu người khuyết tật tại Indonesia.

2013-08-13 09:52:17

Khảo sát thị trường

Bạn tìm việc trực tuyến như thế nào? (có thể chọn nhiều câu trả lời)
 Tôi không tìm việc trên mạng trực tuyến
 Vào trực tiếp trang web của các công ty
 Sử dụng các công cụ mạng xã hội (ví dụ Twitter, social media groups, etc)
 Sử dụng lưu tìm kiếm/ thông báo việc làm trên các trang web
 Gõ vào công cụ tìm kiếm của các trang web việc làm
 Gõ vào các công cụ tìm kiếm (Google, Yahoo, etc...)