Nhân lực chất lượng cao ra đi
Hiện tượng một bộ phận nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước dịch chuyển sang nước khác luôn được cho là một tổn thất lớn, đặc biệt đối với những nước đang phát triển. Bởi lẽ, một nước nghèo hoặc đang phát triển cần hơn lượng chất xám từ nguồn lao động chất lượng cao so với các nước phát triển. Điều này tương tự như "hiệu ứng đuổi kịp" trong kinh tế vĩ mô khi so sánh tầm quan trọng của tư bản đối với tốc độ phát triển của một nước nghèo và một nước giàu.
Nghĩa là, khi được tăng hoặc hiện đại hóa một đơn vị tư bản vào sản xuất, một nền kinh tế nghèo khi sẽ mang về tốc độ phát triển nhanh hơn so với nền kinh tế giàu. Như vậy, nếu cung cấp thêm cùng một đơn vị chất xám, nước nghèo hoặc đang phát triển sẽ có tốc độ phát triển kinh tế nhanh hơn nước giàu.
Tuy nhiên, xuất phát từ ước mơ thoát nghèo, lao động kĩ thuật cao thường có xu hướng học tập và làm việc ở môi trường được kỳ vọng là thuận lợi nhất. Từ đó, hiện tượng chảy máu chất xám ở các nước nghèo và đang phát triển lại càng đáng quan ngại hơn.
|
400.000 trí thức, trong đó có 25% du học sinh Việt Nam đang học tập, sinh sống tại xứ người (ảnh minh họa - GDVN).
|
Số liệu thống kê ước tính có khoảng 400.000 trí thức, trong đó có 25% du học sinh Việt Nam đang học tập, sinh sống tại xứ người. Khảo sát năm 2010 của Viện giáo dục quốc tế IIE thì có đến 60-70% du học sinh có ý định ở lại học tập và công tác ở nước ngoài. Đáng lo hơn là số học sinh du học tự túc chiếm đến 90% tổng số lượng thống kê.
Thêm vào đó, mỗi năm Việt Nam có trung bình 80.000 lượt lao động xuất ngoại. Điều này dường như đồng nghĩa với lượng tiền và chất xám lần lượt "rũ áo ra đi". Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu uy tín đã chỉ ra dòng chảy ngược của kiều hối so với dòng chất xám bị thất thoát. Nói cách khác, lý thuyết về tác hại của chảy máu chất xám đã gặp khó khăn trước lượng tiền cộng đồng hải ngoại gửi về quê hương.
Cộng đồng trí thức Việt Nam chủ yếu tập trung ở Hoa Kỳ, Tây Âu, Nga và Đông Âu, đều là những quốc gia phát triển, với thu nhập cao và tiền lương lý tưởng. Hiệu suất làm việc từ đó cũng cao gấp nhiều lần so với môi trường ở quê nhà.
Bù vào sự lựa chọn ở lại xứ người làm việc, cộng đồng Việt kiều đã đóng góp ngược trở lại quê hương thông qua kiều hối. Xu hướng trở về Việt Nam để phát triển các dự án ngày càng tăng.
Hy vọng "chất xám"... hồi hương
Theo Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, trong vòng 6 năm (6/2005-6/2011), số doanh nghiệp Việt kiều đã tăng hơn hai lần, với tổng vốn điều lệ gần 37.000 tỷ đồng. Hàng năm, có khoảng 500.000 lượt kiều bào về nước không chỉ để thăm người thân mà còn để tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển đất nước. Bằng chứng là có đến 52% lượng kiều hối đổ vào thị trường bất động sản năm vừa qua. Theo thống kê năm 2011 của World Bank, Việt Nam hiện xếp hạng 16 trên thế giới và hạng 2 trong khu vực Đông Nam Á về nhận kiều hối. Nếu như năm 2001 chỉ có 1,75 tỷ USD chuyển về nước nhà thì năm 2011 đã tăng vọt lên 9 tỷ USD.
Từ lượng kiều hối, các gia đình trong nước có thể đầu tư giáo dục cho con cái để tiếp tục xuất ngoại học tập và làm việc. Thoạt nhìn, có vẻ chất xám bị thất thoát nhưng suy xét kỹ thì sự hiện diện của nhân tài nên xứ người không đồng nghĩa với việc chất xám không chảy trở lại quê nhà.
Mỗi cá nhân đều có ý chí và nguyện vọng làm việc trong môi trường phù hợp nhất. Đặc biệt, đối với cộng đồng kiều bào Việt Nam thì nguyện vọng đóng góp cho nước nhà đã và đang thể hiện bằng hành động chứ không phải lời nói. Làm thế nào để biến chảy máu chất xám thành tuần hoàn chất xám, đồng thời không ngừng thu hút kiều hối là bài toán không hề đơn giản.
Thống kê sáu tháng đầu năm 2012 của TP.HCM đã cảnh báo sự sụt giảm 500 triệu USD kiều hối so với cùng kỳ năm ngoái. Hồi chuông cảnh báo này chính là động lực để Việt Nam thay đổi quan niệm và chính sách để tạo điều kiệu cho nhân tài và nguồn ngoại tệ đóng góp 7,26% GDP (năm 2011) này "hồi hương". |