Sau khi phỏng vấn, DRD sẽ chọn 50 bạn trẻ và tiến hành khảo sát nhu cầu từng người để có những hoạt động hỗ trợ phù hợp về học nghề, học kỹ năng, giới thiệu việc làm, đánh giá kế hoạch cá nhân… Được biết, toàn bộ dự án trên kéo dài 42 tháng nhằm hỗ trợ cho 300 TNKT. Liên hệ chi tiết: số 91/6N Hòa Hưng, P.12, Q.10, TP.HCM, điện thoại: (84-8) 38684858 ext: 131.
Giới thiệu "Dự án nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật"
Dự án nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật
1. Bối cảnh
Được sự tài trợ của The Atlantic Philanthropies tại Việt Nam, Trung tâm Khuyết Tật và Phát Triển (DRD) thực hiện dự án “Nâng cao năng lực cho Thanh niên khuyết tật”, bắt đầu từ 01/2012 đến 6/2015. Dự án hướng đến việc nâng cao năng lực cho TNKT, đồng thời giúp xây dựng năng lực DRD nhằm tiếp tục nỗ lực thực hiện tầm nhìn của tổ chức: một ngày nào đó, tất cả NKT sẽ được bình đẳng về cơ hội tham gia và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Tiếp tục với những hoạt động trước đây mà DRD đã từng hỗ trợ cho NKT như giới thiệu việc làm, hỗ trợ người khuyết tật nặng sống độc lập, tham vấn đồng cảnh, tổ chức các khóa huấn luyện, hội thảo về các vấn đề liên quan đến NKT…dự án “Nâng cao năng lực cho TNKT” dự kiến sẽ trang bị cho 300 TNKT cơ hội hòa nhập xã hội, giúp TNKT định hướng nghề nghiệp và tạo cầu nối giúp NKT tìm được việc làm trong 3 năm.
2. Mô tả dự án
2.1. Mục đích:
Mục đích tổng quát của dự án là tăng cường sự tham gia và đóng góp đầy đủ của thanh niên khuyết tật (TNKT) vào xã hội một cách bình đẳng như những công dân khác bằng cách ứng dụng mô hình hỗ trợ dựa trên quyền của NKT, nâng cao năng lực thực hành công tác xã hội và phương pháp tiếp cận dựa vào nội lực. Mục đích này sẽ đạt được qua hai giai đoạn:
- Tạo cơ hội xây dựng năng lực cho TNKT cả về học vấn, nghề nghiệp và kỹ năng xã hội
- Nâng cao nhận thức của xã hội và NKT về vấn đề khuyết tật.
2.2. Đối tượng hưởng lợi trực tiếp:
- 300 TNKT sẽ được lựa chọn dựa theo các tiêu chí lựa chọn phù hợp. Trong số đó, câu chuyện của 10 NKT nặng được hỗ trợ đặc biệt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức cộng đồng về hình ảnh của NKT.
2.3. Người thụ hưởng gián tiếp :
- Các tổ chức Người Khuyết Tật
- Người khuyết tật nói chung và gia đình họ
2.4. Phạm vi dự án: Tp. Hồ Chí Minh
2.5. Thời gian: 3.5 năm
2.6. Các kết quả mong muốn:
- 70% các đối tượng được chọn sẽ đạt được các mục tiêu về học tập và nghề nghiệp thể hiện qua kết quả học tập và đào tạo nghề.
- Ít nhất 80% đối tượng được chọn có công việc trong các công ty và dự án cộng đồng.
- Các đối tượng được chọn trải qua các khoá tập huấn về kỹ năng xã hội và bình đẳng về vấn đề khuyết tật sẽ có đủ tự tin về năng lực và tích cực tham gia vào tất cả tiến trình xã hội có ảnh hưởng đến đời sống của họ, thể hiện qua vai trò lãnh đạo/đại diện trong các tổ chức của NKT, các hoạt động xã hội, trong công việc của họ…
- Một mạng lưới các đối tượng được chọn được hình thành và đi vào hoạt động, thể hiện qua các hoạt động chung hoặc các hoạt động liên kết với mạng lưới hội nhóm NKT hiện có của DRD.
- Số lượng thanh niên khuyết tật và thành viên cộng đồng hiểu biết hơn về các khái niệm trong Công Ước Quyền của Người Khuyết Tật và thay đổi cách suy nghĩ chưa đúng của họ (thanh niên khuyết tật bất tài và chỉ nhận được lòng thương hại và từ thiện) tăng, thể hiện qua số lượng người tham gia vào dự án và hoạt động của Trung Tâm Khuyết Tật và Phát Triển, cơ hội tuyển dụng và thực tập cho những người được chọn và những thanh niên khuyết tật khác, số lượng tài trợ cho học bổng.
- Các bài học kinh nghiệm và vận dụng thực tiễn tốt nhất được công bố và mở rộng.
3. Mô hình hỗ trợ
Với phương pháp “tiếp cận dựa trên quyền và phát triển dựa vào nội lực”, Dự án hướng tới tạo các điều kiện và cơ hội cho TNKT để thử sức và phát huy khả năng từng cá nhân. Để thực hiện được mô hình này, dự án tiến hành:
3.1. Thành lập nhóm Cố vấn
Nhiệm vụ:
- Hỗ trợ DRD thực hiện kế hoạch dự án, tham gia hội đồng tuyển chọn, cố vấn cho DRD về kế hoạch kinh doanh và xây dựng năng lực điều hành hoạt, mở rộng kết nối giữa DRD và các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, các mạnh thường quân và các cơ quan khác.
- Kết nối nguồn lực và cơ hội để giúp TNKT trong quá trình học tập, học nghề, nâng cao năng lực và tìm kiếm việc làm.
Thành phần:
- Các chuyên gia trong các lĩnh vực luật, tài chính, truyền thông, kinh doanh, giáo dục, công tác xã hội,... và người khuyết tật, những người có thể dành thời gian và năng lực chuyên môn cho dự án.
3.2. Thành lập nhóm Đồng Hành
Nhiệm vụ
- Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là đồng hành với 300 TNKT để hỗ trợ các em phát triển nhân cách, giá trị, những kỹ năng cần thiết cho việc học tập và thích ứng được với những yêu cầu của đời sống xã hội để các em có thể hòa nhập tốt vào xã hội.
- Hỗ trợ nhóm dự án phát triển mô hình hỗ trợ vươn tới cộng đồng cho 300 TNKT.
- Hỗ trợ nhóm Dự án thực hiện, theo dõi và đánh giá các hoạt động của 300 TNKT.
Thành phần
- Các thành viên đang hoặc đã công tác trong các lĩnh vực như: luật, tài chính, truyền thông, nhân sự, kinh doanh, giáo dục, công tác xã hội, những người có thể dành thời gian định kỳ hỗ trợ cho dự án.
3.3. Tuyển chọn TNKT
3.4. Đánh giá nhu cầu TNKT
TNKT sau khi được chọn vào dự án sẽ được nhóm Đồng Hành đánh giá nhu cầu để xác định thiết bị hỗ trợ; kiến thức và kỹ năng cần cải thiện, người hỗ trợ cá nhân cho thanh niên khuyết tật nặng (nếu có)... Đây cũng là căn cứ đánh giá đầu vào và theo dõi đầu ra (tác động) sau này.
3.5. Xây dựng kế hoạch phát triển cá nhân cho TNKT
Căn cứ vào kết quả đánh giá nhu cầu, nhóm Đồng Hành sẽ giúp TNKT xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển cá nhân nhằm đạt mục tiêu thay đổi cuộc sống.
3.6. Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để giúp TNKT thực hiện kế hoạch cá nhân
Dự án sẽ kết hợp với nhóm Cố vấn, nhóm Đồng hành và các tổ chức khác để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phù hợp dựa vào kế hoạch phát triển cá nhân.
3.7. Thành lập mạng lưới TNKT nòng cốt
Nhóm TNKT nòng cốt được thành lập và đi vào hoạt động, từng bước tham gia vào các diễn đàn liên quan đến vấn đề khuyết tật.
3.8. Tiến hành các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về khuyết tật
Nhóm TNKT sẽ thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật.
3.9. Giới thiệu việc làm cho TNKT
Những TNKT đã hoàn thành chương trình học nghề, học văn hóa sẽ được giới thiệu việc làm phù hợp.
4. Các gói hỗ trợ Thanh niên Khuyết tật
Với phương pháp “tiếp cận dựa trên quyền và phát triển dựa vào nội lực”, Dự án hướng tới tạo điều kiện và cơ hội cho thanh niên thử sức và phát huy khả năng từng cá nhân:
4.1. Tài trợ các suất học bổng cho sinh viên khuyết tật đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp nghề trong thành phố HCM.
4.2. Tài trợ suất học nghề tại các trung tâm dạy nghề có uy tín, là một cách hỗ trợ hữu hiệu và tạo cơ hội cho NKT bắt đầu hoà nhập xã hội. Dự án mong muốn 50 TNKT sẽ được tham gia các khóa đào tạo nghề có uy tín, từ đó tạo nên sự thay đổi trong cộng đồng về khả năng của NKT.
4.3. Hỗ trợ và tạo điều kiện để NKT được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, tố chức: 50 TNKT sẽ là những tấm gương điển hình minh chứng sự thay đổi tích cực về hình ảnh NKT nếu họ nhận được sự hỗ trợ và cơ hội bình đẳng như các thành viên khác trong xã hội. Dự án mong muốn, sau khi tốt nghiệp và qua các khóa huấn luyện kỹ năng, 50 TNKT sẽ được các doanh nghiệp, tổ chức…nhận vào làm việc. Kết quả đánh giá sẽ là động lực giúp NKT vươn lên và hoàn thiện mình. Đồng thời, sự có mặt của NKT trong môi truờng làm việc, tạo nên nét đa dạng trong văn hoá của tổ chức với tinh thần chia sẻ và “đóng góp cho cộng đồng”.
4.4. Hỗ trợ dụng cụ trợ giúp: Dụng cụ hỗ trợ và phương tiện di chuyển luôn là những ưu tiên để giúp NKT chủ động tham gia các hoạt động xã hội và mưu sinh.
4.5. Tài trợ các khoá học ngoại ngữ, vi tính: Dự án dự kiến sẽ trang bị những khoá ngoại ngữ và vi tính tại các Trung tâm đào tạo uy tín, chuẩn bị cho 50 thanh niên hành trang cơ bản để có thể rút ngắn khoảng cách tiếp cận cơ hội việc làm.
5. Giám sát, lượng giá
- Báo cáo định kỳ (báo cáo hàng quý hoặc nửa năm): Sau mỗi sáu tháng hoặc những hoạt động cụ thể, sự án sẽ lập báo cáo thể hiện rõ nhận xét và đánh giá kết quả đạt được trong kỳ.
- Đánh giá hàng năm (có thể xem là đánh giá nội bộ): Dự án sẽ đánh giá các hoạt động đã thực hiện so với kế hoạch hàng năm, và kế hoạch tổng thể. Rút ra bài học kinh nghiệm, và điều chỉnh quản lý dự án dựa trên yêu cầu thực tế.
- Đánh giá giữa dự án: Việc đánh giá này do các cố vấn bên ngoài thực hiện cùng với sự tham gia của người khuyết tật. Việc đánh giá có thể kiểm nghiệm được dự án có tương thích với điều kiện thực tế hay không, thực thi dự án có đầy đủ không; kết quả đạt được tai thời điểm thực hiện đánh giá, bài học kinh nghiệm và các đề xuất. Ngoài ra, kết quả của việc đánh giá có thể dẫn đến việc điều chỉnh hệ thống chỉ báo, cơ chế quản lý, chiến lược, mục tiêu, và hoạch định của dự án cho các giai đoạn còn lại của dự án.
- Đánh giá cuối dự án: Việc đánh giá này do các cố vấn bên ngoài thực hiện theo phương pháp tham gia. Việc đánh giá này sẽ dựa vào kết quả đạt được, tác động xã hội và tính bền vững của dự án. Đánh giá cuối dự án có thể được kết hợp với khảo sát/đánh giá cuối kỳ |