Làm thế nào để biết được sếp là người độc đoán và đâu là liều thuốc chữa trị căn bệnh độc đoán?
Theo các chuyên gia, để biết được mình có phải là một vị sếp độc đoán hay không, các nhà quản trị chỉ cần trả lời mười câu hỏi sau đây:
1. Bạn có khó chịu với những nhân viên có vẻ không cảm nhận được tính khẩn cấp trong công việc như chính mình?
2. Bạn có tự cho mình là một người thích cạnh tranh? Những người khác có nhận thấy bạn là người thích cạnh tranh?
3. Bạn bè hoặc người thân của bạn có bao giờ nói rằng bạn hung hăng, hiếu thắng?
4. Bạn có chủ trương thực hiện nguyên tắc trên dưới rõ ràng trong giao tiếp với nhân viên không? Các nhân viên có cảm thấy thoải mái gửi thư cho bạn để đặt ra câu hỏi hay đưa ra đề xuất hay không?
5. Bạn có nhận thấy các nhân viên thường phục tùng tuyệt đối lệnh của mình?
6. Bạn có thường xuyên rơi vào các cuộc tranh cãi với những người xung quanh?
7. Bạn có thường đưa ra quan điểm của mình không? Quan điểm đó có được người khác quan tâm không?
8. Bạn có thường phát động phong trào để các nhân viên đưa ra các ý kiến hay đề xuất không?
9. Bạn có bao giờ cố tình khiêu khích những nhân viên có cá tính mạnh vì nghĩ rằng sự đối đầu sẽ có tác dụng tốt cho những nhân viên đó?
10. Khi lái xe, bạn có xem một vụ kẹt xe là một trận chiến? Bạn có sẵn sàng lấn tuyến, vượt tắt qua mặt các tài xế khác?
Nếu câu trả lời thường là “Có” thì bạn đã trở nên độc đoán rồi. Độc đoán khác hẳn với quyết đoán. Những vị sếp quyết đoán có nhiều phẩm chất tốt. Họ thường là những người khá bộc trực, thẳng thắn và rất chú trọng đến công việc, sẵn sàng vượt qua mọi thách thức để hoàn thành các mục tiêu, không ngại ngần xử lý các tình huống không chắc chắn. Họ cũng không ngại trách nhiệm và dường như không biết sợ hãi. Các nhà quản trị quyết đoán thường dễ dàng nói ra các mong đợi của mình để nhân viên hiểu được.
Từ quyết đoán đến độc đoán chỉ có khoảng cách nhỏ. Thói độc đoán bộc lộ khi trong quan hệ với nhân viên, sếp thường biểu hiện cách hành xử của kẻ có quyền lực, hống hách và không lắng nghe nhân viên.
Sếp độc đoán còn hay chen ngang vào những công việc mà các nhân viên đang làm dở, khi muốn là lập tức yêu cầu họ phải thay đổi thứ tự ưu tiên trong công việc để làm ngay việc sếp muốn.
Những nhân viên ngại xung đột thường chọn giải pháp im lặng khi làm việc với sếp, nhưng cũng có người nổi nóng và xung đột rất dễ nổ ra. Sếp cãi vã với nhân viên là chuyện không hay, đã vậy nhiều khi sự nóng giận trong tranh cãi còn để lại hậu quả rất nặng nề.
Để tránh rơi vào tình trạng không mong muốn nói trên, các sếp độc đoán nên học hỏi một số cách ứng xử sau đây từ những vị sếp hòa nhã, điềm đạm:
• Cố gắng giữ bình tĩnh trong các tình huống căng thẳng.
• Giữ giọng nói đều đặn, không ngắt lời nhân viên.
• Lắng nghe và nếu cần, xác nhận lại ý kiến của nhân viên trước khi đưa ra quan điểm của mình.
• Khi đặt ra câu hỏi cho nhân viên, hãy để cho họ có đủ thời gian để đưa ra câu trả lời.
• Khi nhân viên đang làm việc, tỏ thái độ tôn trọng bằng cách hỏi người ấy có thể dành ít phút để nói chuyện không. Tránh ra lệnh cho nhân viên phải lên gặp sếp ngay lập tức trong khi họ đang bận rộn với công việc của mình.
Nhân viên sẽ luôn cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi làm việc với một vị sếp tốt bụng và luôn đánh giá cao sự đóng góp của họ cho tổ chức. Ngược lại, họ rất mệt mỏi với những sếp không biết khuyến khích, động viên, mà chỉ hay hăm dọa. Khi dẹp bỏ được những biểu hiện độc đoán, trở nên điềm đạm thì chính nhà quản trị là người tạo ra môi trường giao tiếp cởi mở, giúp cho nhân viên cảm thấy thoải mái trong công việc và sẵn sàng chia sẻ các thông tin quan trọng, những ý tưởng mới mẻ có giá trị cho công ty. |