Sếp vô tâm
Nhiều sếp không biết do quá bận rộn hay "lười" mà trong thời gian giao việc cho nhân viên của mình, không bao giờ hỏi xem nhân viên đó làm việc tới đâu, công việc có khó khăn hay có cần thêm người hỗ trợ không, và cũng chẳng bao giờ có một lời động viên nhân viên trong công việc.
Hay nhân viên bệnh nằm viện cả tháng hay nghỉ sinh nở, cũng không thấy một cuộc điện thoại hỏi thăm từ sếp v...v. Sếp thì cứ "vô tư" giao việc và.cho rằng mình đã xong nghĩa vụ, biết rằng sếp tuyển nhân viên là để họ làm đúng việc mình yêu cầu, nhưng sếp đâu biết rằng một lời động viên hay sự chia sẽ trong công việc của sếp là động lực lớn để nhân viên làm việc hết mình.
Chính sự vô tâm của sếp khiến cho nhân viên cảm thấy chán nản không có hứng thú làm việc. Công việc không phải là nguyên nhân khiến nhân viên rơi vào tình trạng trên mà chính do sự thờ ơ không quan tâm tới nhân viên của sếp trong công việc lẫn cuộc sống.
Mong rằng những sếp đang có "hiện tượng" này hãy thử thay đổi, gần gũi với nhân viên mình hơn, đối với sếp có lẽ nó không có gì to lớn hay quan trọng nhưng đối với nhân viên đó là niềm vui, động lực rất lớn.
Thu nhập
Một số nhân viên khá bất mãn vì sau bao năm trời cống hiến cho công ty, lương của họ vẫn dậm chân tại chỗ và nếu có tăng thì cũng không đáng bao nhiêu. Bất mãn hơn khi họ biết được các em mới ra trường được sếp tuyển vào với mức lương gấp đôi họ.
Biết rằng mọi chuyện đều phụ thuộc vào 2 chữ "thời giá", lương cho người mới bắt đầu bây giờ không thể giống với ngày xưa, nhưng giá như sếp biết 2 chữ "thời giá" cũng là điều ám ảnh đối với nhân viên cũ, so với thời vật giá leo thang như bây giờ thì quả thật mức lương ngày trước sếp "cho" nhân viên cũ không đủ để giúp họ trang trải cuộc sống bây giờ.
Có những trường hợp sếp lúc nắng lúc mưa khiến nhân viên bất mãn, chẳng hạn: anh này là nhân viên kinh doanh của Cty QC và doanh thu anh đem về cho công ty khá nhiều, sau một thời gian thương lượng lại chuyện lương bổng với sếp, sếp đã đồng ý và thông báo với phòng nhân sự làm quyết định tăng lương. Khi thông báo đã làm xong và cũng đã đến tay nhân viên, đùng một cái sếp bảo nhân sự thu hồi lại quyết định với lý do chờ công ty ổn định thêm chút nữa, cả bộ phận nhân sự và anh nhân viên này chỉ biết nhìn nhau lắc đầu. Có lẽ Sếp này đang thử tính nhẫn nại và lòng trung thành của anh nhân viên này thì phải (?)
Quản lý nhân sự không đúng
Chị M được tuyển dụng vào công ty với vị trí nhân viên tổ chức sự kiện, quả thật thời gian đầu chị được làm đúng với công việc của mình (vì lúc đó công ty tuyển người để chạy sự kiện sắp diễn ra). Sau khi chương trình kết thúc và hiện tại chưa có sự kiện mới, chị và các đồng nghiệp tranh thủ khoảng thời gian này dễ dưỡng sức cho cuộc chinh chiến tiếp theo.
Lễ tân của công ty nghỉ việc, đùng một cái chị nhận được thông báo mình phải xuống vị trí này tạm thời do công ty chưa tuyển được người mới. Bức xúc, chị trao đổi với bộ phận nhân sự thì được biết đây là "lệnh" của sếp. Do sếp thấy bộ phận tổ chức sự kiện đang thoáng về công việc nên sẽ phụ giúp các phòng ban khác (!)
Phân bố nhân sự cẩu thả theo tình hình sẽ khiến cho tâm lý nhân viên bất mãn nản
Các đồng nghiệp của chị cũng không nằm ngoại lệ, người thì sang hỗ trợ kinh doanh, người thì kết hợp với biên tập...Vừa làm việc của bộ phận khác, vừa phải lo chuẩn bị cho sự kiện sắp tới, khiến chị và các đồng nghiệp bất mãn. Họ quyết định chấm dứt với công ty này trong khi công cuộc chuẩn bị cho sự kiện sắp tới đang được 1/2 chặng đường.
Sự tính toán cho việc "tiết kiệm" nhân sự của sếp không làm cho tình hình khá hơn mà còn ngược lại, nhân viên là những người làm công nhưng họ cũng cần được tôn trọng và tự chủ về công việc theo đúng thỏa thuận ban đầu. Việc phân bố nhân sự cẩu thả theo tình hình sẽ khiến cho tâm lý nhân viên bất mãn nản và tất nhiên công việc bị ảnh hưởng cũng là điều dễ hiểu.
Chính sách công ty
Chính sách của công ty cũng là một trong những nguyên nhân để nhân viên quyết định ở lại hay ra đi. Hầu hết nhân viên đều muốn làm việc trong một công ty có chính sách và chế độ đãi ngộ nhân viên tốt, và chính điều này đã khiến nhiều nhân viên phải hối hận.
Bạn V cho biết cô được hai nhà tuyển dụng cùng thông báo nhận cô vào làm việc, và mức lương hai nhà tuyển dụng đưa ra cho cô chênh lêch không nhiều lắm. Tuy nhiên cô lại có vẻ ưng ý với bên tuyển dụng trả lương thấp hơn, chẳng là trong cuộc phỏng vấn giữa cô và họ, họ có cho cô xem bảng chính sách của công ty: tăng lương 6 tháng/ lần, thưởng theo quý, phép năm dư có thể quy ra tiền, được khám bảo hiểm ở các bệnh viện có tiếng, tổ chức dã ngoại cho nhân viên hằng năm v...v. Chính điều này đã khiến V quyết định về với công ty này mặc dù mức lương thấp hơn so với công ty kia.
Nhưng làm được hơn một năm cô mới nhận ra rằng tất cả đều ngược lai hoàn toàn với những gì cô được thấy trong tờ giấy có ghi chữ "chính sách công ty", thất vọng so với những gì mình suy nghĩ, cô đâm ra chán nản với công việc. Việc chính sách công ty thực tế không giống với lý thuyết khiến cho nhân viên bức xúc khá nhiều, các Sếp cần đưa ra những chính sách đãi ngộ nhân viên đúng với thực tế để tạo uy tín cho chính mình cũng như cổ động tinh thần làm việc của nhân viên. |