Kênh phản hồi cho người khuyết tật chưa “đắt hàng”
Mặc dù ra đời từ nhu cầu bức thiết của người khuyết tật (NKT), tạo diễn đàn cho người khuyết tật “lên tiếng”, nhưng thực tế qua hơn 1 năm hoạt động kênh phản hồi cho NKT (một địa chỉ thư điện tử và 3 số điện thoại liên hệ) vẫn chưa thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” đối với NKT vì rất nhiều lý do...
Nhu cầu tăng, trở ngại lớn Những năm gần đây, Nhà nước và xã hội đã ngày càng quan tâm hơn đối với NKT. Tháng 6/2010, Văn phòng Điều phối các hoạt động người tàn tật (NCCD) đã khai trương hệ thống thông tin phản hồi về chính sách, công tác NKT. Hệ thống ra đời nhằm tạo cơ hội cho NKT thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời cũng giúp NCCD thu thập, xử lý thông tin về những bất cập nảy sinh trong công tác hỗ trợ NKT, những vi phạm trong quá trình triển khai Luật NKT và các chính sách liên quan... Kỳ vọng là vậy, nhưng trên thực tế, theo ông Hồ Xuân Lai, Phó Giám đốc văn phòng NCCD, số lượng những trường hợp liên hệ và phản hồi thông tin rất ít. Trình độ hạn chế là một trở ngại đầu tiên nếu NKT muốn phản hồi thông tin về nguyện vọng cũng như chia sẻ về cuộc sống của mình với cộng đồng. “Trình độ của NKT chưa đủ đáp ứng để họ tiếp cận với các phương tiện để phản hồi” - ông Lai nói. Thực tế cho thấy, theo báo cáo thường niên của NCCD, hết năm 2010, có tới gần 35% số NKT không biết chữ, 21% NKT chưa tốt nghiệp tiểu học. Lớp may công nghiệp của Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tràng Dương - TTXVN Việc phản hồi thông tin của NKT rất đặc thù, khi hầu hết họ phải có sự trợ giúp của những người thân, trong khi gia đình của phần lớn NKT đang gặp nhiều khó khăn. Hầu hết người khuyết tật sống trong những gia đình nghèo. “Người khuyết tật ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa càng khó khăn thiệt thòi hơn nữa”, ông Hồ Xuân Lai khẳng định. Theo Văn phòng NCCD, trong số 6,7 triệu NKT có tới trên 75% trường hợp sống ở nông thôn. Gần 24% những hộ gia đình có NKT phải sống trong những nhà ở tạm. Do điều kiện khó khăn, có trên 80% số hộ gia đình có NKT chỉ đảm bảo đáp ứng được nhu cầu căn bản về ăn, ở và mặc cho NKT, còn các nhu cầu khác của NKT, khả năng đáp ứng của gia đình rất hạn chế. Kênh phản hồi cần đa dạng hơn Hiện nay, hệ thống thông tin phản hồi đã và đang chứng tỏ sự cần thiết đối với NKT. Mặc dù lượng liên hệ về không nhiều, nhưng các nhu cầu của NKT rất đa dạng: Từ hỏi nơi học nghề, thủ tục liên quan đến trợ cấp xã hội, thông tin về văn bản chính sách, pháp luật, các địa điểm học nghề uy tín cho NKT và những nơi nhận lao động khuyết tật làm việc... NKT và các cá nhân, tổ chức quan tâm đều có thể gửi phản hồi theo kênh Internet qua mẫu văn bản mà NCCD cung cấp, gọi điện thoại theo đường dây nóng và gửi thư qua đường bưu điện. Văn phòng NCCD tiếp nhận và trả lời trực tiếp rồi chuyển tới các cơ quan liên quan và đốc thúc trả lời cho NKT hoặc kết nối NKT tới những địa chỉ theo yêu cầu... Mặc dù hoan nghênh kênh phản hồi, nhưng không ít ý kiến cho rằng cần phải quan tâm nhiều hơn đến khả năng tiếp cận cho mọi NKT. Người khiếm thị, khiếm thính có cách tiếp cận thông tin riêng thì cần phải có cách thức riêng để hệ thống thông tin phản hồi đến được với họ và phản hồi có hiệu quả. Anh Lê Văn Ánh, Chủ tịch Chi hội người điếc Hà Nội ưu tư: “Nhiều người khiếm thính còn mù chữ hoặc chỉ học đến tiểu học, nhận thức của chúng tôi rất hạn chế khi tiếp cận với các thông tin về văn bản chính sách pháp luật. Nếu vào được trang web của NCCD, chúng tôi cũng vẫn cần có người giải thích các nội dung đó bằng ngôn ngữ ký hiệu thì mới hiểu được. Đây là điều mà kênh thông tin phản hồi chưa có. “Vì vậy, nếu được, chúng tôi rất mong có thể thêm nội dung này vào trang thông tin phản hồi”, anh Ánh bày tỏ. Hiện nay nhiều NKT bày tỏ sự băn khoăn vì một hệ thống chỉ với một địa chỉ thư điện tử và 3 số điện thoại liên hệ, liệu có đáp ứng được nhu cầu lớn của NKT, trong khi đội ngũ cán bộ tại văn phòng còn ít nhưng phải đảm nhiệm quá nhiều công việc. Có ý kiến cho rằng, nếu những vấn đề của NKT có thể được giải quyết ngay tại địa phương thì sẽ tốt hơn, nhanh chóng hơn là phải thông qua các hình thức phản hồi như viết đơn kiến nghị, điện thoại... theo đúng quy trình xử lý NCCD đưa ra. “Với những địa phương mà NKT có tổ chức của mình thì trước hết, tổ chức đó phải có trách nhiệm thông tin, phản ánh, giải quyết vấn đề cho hội viên. Nếu tổ chức không giải quyết được thì mới kiến nghị tới các cơ quan chức năng. Nếu chỉ có NCCD với lực lượng mỏng, thì không đủ sức đón nhận và xử lý các thông tin theo nhu cầu của NKT”, ông Vũ Hồng Phát, Chủ tịch Hội NKT tỉnh Nam Định nói. Để đảm bảo những kiến nghị của NKT được giải quyết triệt để, để NKT tin tưởng vào hệ thống phản hồi, theo ông Phát, cần có sự kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả phản hồi. Luật NKT đã có hiệu lực từ 1/1/2011 với nhiều điểm tiến bộ so với pháp lệnh về người tàn tật. Nhưng để Luật thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo cho NKT biết và thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình một cách hiệu quả nhất, thực tế cho thấy, cần đa dạng hơn nữa kênh thông tin phản hồi để những người mắc phải các dạng khuyết tật khác nhau có thể tiếp cận và góp tiếng nói của mình, để NKT từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.
VNJobs
Theo Mạnh Minh - Báo Mới
Số lần xem: 241 Lên đầu trang
Các bài viết khác
Công nghệ thông tin – “cần câu” của người khuyết tật
Người khuyết tật được tiếp thêm nghị lực
Tọa đàm chia sẻ thông tin về điều kiện tiếp cận 6 tuyến tàu ...
Thành công với những nhân viên khuyết tật
Hết lòng vì trẻ mồ côi, khuyết tật
Khi doanh nghiệp đi tìm người khuyết tật
Thành lập trung tâm tư vấn pháp lý cho người khuyết tật đầu tiên
Cứ bước đi rồi đường sẽ phẳng
Nghị lực tuyệt vời của nữ sinh tật nguyền hiếu học
Nữ sinh tí hon và nghị lực vượt lên tật nguyền
Chuyên mục
Người Khuyết Tật (31)
Kỹ Năng Phỏng Vấn (7)
Cẩm Nang Thu Hút Nhân Tài (10)
Cẩm Nang Tuyển Dụng Nhân Tài (21)
Quản trị nguồn nhân lực (24)