Ông Sato Masakazu - Tổ chức Hỗ trợ thanh niên (YMCA) Hokkaido cho biết: “Người khuyết tật ở Nhật Bản khó có việc làm ở các Cty, họ chủ yếu sống ở những cơ sở phúc lợi. Thế mà ở Cty Cổ phần Công nghiệp lý hóa Nhật Bản ở TP Bibai, tỉnh Hokkaido, bắc Nhật Bản, phần lớn nhân viên là người khuyết tật, dẫu thế doanh thu Cty tăng đều hàng năm. Năm ngoái, một cuốn sách nằm trong tốp bán chạy nhất ở Nhật Bản viết về Cty này”.
Nổi tiếng với sản phẩm phấn viết chế từ vỏ sò, trong đó có loại nếu trẻ em không may ăn phải cũng không hề gì, Cty này còn được đánh giá là nơi coi trọng người lao động vào loại bậc nhất Nhật Bản.
Ít ai biết, 50 năm trước, một thầy giáo đến gặp ông Oyama - giám đốc thời ấy, để xin việc làm cho hai cô học trò bị thiểu năng trí tuệ, nhưng cả ba lần thầy giáo đến đều bị từ chối.
Lần cuối cùng, người thầy gặp ông Oyama không có ý định xin việc cho học trò, mà chỉ đề nghị: “Nếu ông không nhận hai học trò của tôi thì hãy giúp họ trải nghiệm cuộc sống, được làm việc trong Cty ông một tuần, trước khi đến sống ở cơ sở phúc lợi. Nếu ông không đồng ý thì cả đời hai cô gái này cho đến chết vẫn không được hưởng hạnh phúc được làm việc”.
Ông Oyama nghe lời đề nghị ấy, đã nhận hai cô gái bị thiểu năng trí tuệ vào làm việc.
Một tuần sau đó, nhóm nhân viên của Cty chính thức gặp ông Oyama, đề nghị nhận hai cô gái vào làm việc. Sau lần nhận hai cô gái bị thiểu năng trí tuệ, Cty nhận thêm nhiều người khuyết tật nữa.
Trong một lần, nghe được một nhân viên phàn nàn: “Nếu Cty nhận quá nhiều người khuyết tật , thì người ngoài nhìn vào cũng nghĩ chúng tôi bị thiểu năng trí tuệ”, ông Oyama đã triệu tập cuộc họp toàn Cty, và bắt nhân viên phát ngôn lời nói trên phải xin lỗi những người khuyết tật. Từ một người từ chối nhận người khuyết tật , ông Oyama luôn đón họ và bảo vệ họ tới cùng.
Ông Nishikawa Kazuhito - Giám đốc Công ty CP Công nghiệp lý hóa Nhật Bản chi nhánh Bibai, tiếp chúng tôi trong bộ đồ đồng phục giản dị. Ông Nishikawa cho biết, nhà máy ở Bibai cũng lớn bằng cơ sở của Cty ở Tokyo. Chi nhánh tại Bibai hiện có 28 nhân viên, thì 21 người bịkhuyết tật . Họ phần lớn ở độ tuổi 35, 36.
“Nhiều người có ý nghĩ sai lầm, cho rằng người khuyết tật không làm việc được. Nhưng chúng tôi đã tìm công việc thích ứng, cũng như sáng tạo dây chuyền sản xuất phù hợp với họ” - Ông Nishikawa nói.
Chỉ lên dòng chữ đóng khung treo trang trọng, ông Nishikawa giải thích: “Các bạn có thể dịch: Có bàn bạc sẽ đạt được niềm tin. Nhân viên có việc gì không hiểu, họ tìm đến chúng tôi để hiểu rõ thì thôi”.
Ngoài sản xuất nhiều sản phẩm bộ nhựa phanh miệng, gõ răng dành cho bác sỹ nha khoa chữa bệnh, Cty CP Công nghiệp lý hóa ở Bibai còn cho ra thị trường các loại phấn độc đáo, như phấn huỳnh quang dành cho người không nhìn rõ chữ.
Ở đây còn có những loại tranh ép nhựa từ mảnh vụn vỏ chai. Điều thú vị, loại phấn viết trên kính, hoặc việc tận dụng vỏ sò để làm phấn vừa bảo vệ môi trường, vừa không độc hại, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu rẻ là sáng kiến của những người khuyết tật trong Cty. Công nghệ làm phấn từ vỏ sò hiện ở Nhật Bản chỉ có ở Cty này làm chủ.
“Loại phấn trẻ em ăn được chúng tôi không đáp ứng nổi thị trường, do sức mua lớn” - lời ông Nishikawa.
Thăm nhà máy, tận thấy những nhân viên khuyết tật ở đây làm việc hăng say, sự tập trung cao độ đến mức chúng tôi cảm tưởng họ không biết có người bên cạnh. Mỗi tháng mỗi nhân viên khuyết tật ở đây được Chính phủ hỗ trợ 20.000 yên, phía Cty trả 120.000 yên/tháng. Mỗi năm nhân viên được thưởng hai lần, mỗi lần 1-2 tháng lương.