Đó là cả một chặng đường phấn đấu miệt mài của Trần Chế Linh, hiện công tác tại Phòng Kế hoạch và đầu tư - Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn An Giang.
Đến trường trên lưng mẹ
Là con trai đầu lòng trong gia đình có 6 anh em, nhưng Trần Chế Linh không may mắn như các em của mình. Lên 4 tuổi anh bị sốt bại liệt, đến năm 9 tuổi mới được vào học lớp 1. Và khi đó, mỗi ngày mẹ Linh phải cõng con lội băng qua con đường mòn lắm sình lầy để đưa con tới lớp.
Dù phải vật lộn lo cho 5 đứa con nheo nhóc, chăm sóc ông nội bị liệt bán than nhưng mỗi ngày đưa Linh tới lớp, bà Nguyễn Thị Lệ Thu (mẹ của Linh) luôn động viên: “Con cố gắng học để vượt qua số phận, học để có cái chữ nuôi thân và giúp ích cho xã hội”.
Nhìn mẹ như thế, và nhìn bà nội cùng ba ngược xuôi chèo ghe đi bán muối khắp các ngõ ngách, Linh như thấu hiểu hoàn cảnh và càng miệt mài lao vào học tập hơn.
Những buổi đi học mẹ Linh bận không đưa kịp, Linh khập khiễng từng bước khó nhọc về nhà; có hôm đi qua cầu khỉ trượt té, sách vở ướt nhẹp, mặt mũi tèm lèm bùn lầy. Linh tự nhủ lòng, dù đau đớn thế nào mình cũng cố vượt qua để không phụ lòng người thân.
Lớp 8, mẹ phải lo cơm áo gạo tiền tiếp ba. Linh tự đồng hành cùng chúng bạn đến trường. Như biết được thân phận của mình, sáng 5 giờ là Linh từng bước đến lớp cho kịp giờ học và đi về trên con đường nhựa nóng muốn bỏng cả chân nhưng anh không nản chí.
Lên lớp 12, một người bạn cùng trường THPT Bán công Đoàn Kết là Dương Văn Sơn, quê ở Thạnh Mỹ Tây đến ở trọ gần đó luôn cảm thông và chia sẻ với Linh. Mỗi ngày, Sơn chở Linh đến trường, rồi đón bạn về nhà. Công việc đó Sơn vẫn âm thầm giúp bạn với hy vọng giúp Linh vươn tới ước mơ, hoài bão trên đôi chân tật nguyền của mình.
Đỗ Thạc sĩ nước ngoài
Tốt nghiệp phổ thông trung học, Linh tập đi dép, năm sau Linh thi đỗ cùng lúc 2 trường đại học: Đại học Cần Thơ chuyên ngành Sư phạm Lý - Tin học và Đại học Kinh tế Cộng đồng TPHCM.
Do đôi chân đi lại khó khăn mà trường Sư phạm Cần Thơ mỗi tiết lại chuyển nơi học nên học được 1 tháng Linh đành bỏ lớp, về học Đại học Kinh tế Cộng đồng TPHCM đặt tại trường Cao đẳng Sư phạm An Giang. Sau 2 năm thi chuyển sang học chuyên ngành, Linh cảm nhận tỉnh mình là nông nghiệp và đa phần người dân sống nhờ vào nông nghiệp nên anh quyết thi chuyển sang trường Đại học Nông - Lâm Thủ Đức. Tuy nhiên Linh vẫn còn đam mê công nghệ thông tin vì thế ban ngày đến giảng đường đại học, đêm về học Trung cấp công nghệ thông tin.
Số tiền cha mẹ gửi lên mỗi tháng 500.000 đồng cộng với tiền học bổng 180.000 đồng/tháng, anh cố gắng tiện tặn, chi tiêu hợp lý.
Tốt nghiệp Đại học Nông - Lâm, có bằng Trung cấp tin học và bằng B Anh văn nhưng khi xin việc ở ở huyện, hồ sơ của anh cứ nằm im đợi. Cho đến 6 tháng sau, nghe tin Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn An Giang tuyển người, Linh nộp hồ sơ và được tuyển vào làm. Linh được phân công nhiệm vụ tại phòng Kế hoạch và đầu tư cho đến nay. Do có tâm huyết và tận tuỵ với nghề và luôn hoà nhã với đồng nghiệp nên được anh em trong đơn vị yêu mến và động viên Linh tham dự kỳ thi học bổng quốc tế (IFP) năm 2008.
Linh cho biết, “ngày xưa tôi thích trở thành giáo viên tin học để truyền đạt kiến thức cho các em học sinh, nhưng bây giờ được du học nước ngoài, tôi sẽ học hỏi nhiều hơn nữa để tìm ra phương pháp tháo gỡ những khó khăn mà quê mình gặp phải trong ngành nông nghiệp. Và sau đó, tôi sẽ trở lại quê hương An Giang, đem toàn bộ kiến thức của mình phục vụ quê hương”.
Nói về nguyện vọng của mình, Trần Chế Linh tâm sự: Học xong thạc sĩ kinh tế ở nước ngoài về, anh sẽ tiếp tục công tác ở ngành nông nghiệp tỉnh để có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho xã hội và hy vọng có một mái ấm riêng như mọi người. |